Giáo viên hợp đồng Nghị định 111: Chưa kịp lo Tết đã mang nỗi lo Hè

Giáo viên hợp đồng Nghị định 111: Chưa kịp lo Tết đã mang nỗi lo Hè

Nghị định 111 – một tia sáng hy vọng cho rất nhiều giáo viên đang loay hoay tìm việc, giờ đây dường như lại là ngọn nguồn của một vòng luẩn quẩn khác. Hợp đồng theo Nghị định này, ban đầu mang đến sự ổn định tạm thời, giúp giáo viên an tâm giảng dạy trong năm học.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những bất cập khiến nhiều người băn khoăn liệu con đường sự nghiệp của họ sẽ đi về đâu. Bởi vì chúng tôi mới nhận được quyết định gia hạn hợp đồng đến 31/5 – thời điểm kết thúc năm học, còn phần tiếp theo chúng tôi không tìm thấy phụ lục.

Khi nhận công tác, ít ai giải thích cụ thể cho giáo viên về thời hạn hay bản chất của hợp đồng này. Chỉ biết rằng đó là hợp đồng theo năm hành chính. Thậm chí, một điều khoản quan trọng như việc đưởng hưởng lương trong ba tháng hè, vốn được giáo viên băn khoăn cũng được trả lời chung chung là hợp đồng này kí theo năm hành chính, và sẽ giao cho các trường tự kí hợp đồng với giáo viên theo sự hướng dẫn của phòng giáo dục.

Khi mới nhận quyết định phân công, chúng tôi được thông tin là Nhà trường sẽ thực hiện kí kết trực tiếp với người lao động và kí theo năm hành chính. Lẽ thường nếu kí từ đầu năm đến cuối năm thì đương nhiên giáo viên hợp đồng cũng sẽ được hưởng lương hè. Nhưng vấn đề là họ chỉ kí đến 31/5, ngày kết thúc năm học, và sau đó chúng tôi không nhận được bất kì thông tin gì thêm về việc chúng tôi có được kí tiếp sau ba tháng hè không?

Nghề giáo viên khá đặc thù, không kí hợp đồng trong hè cho giáo viên thì giáo viên cũng không có trường học nào mở vào thời gian hè để giáo viên đi làm thêm, trừ một số giáo viên như Tiếng Anh, Toán may ra họ còn xin làm bán thời gian ở các trung tâm hoặc dạy kèm. Nhưng ở thành phố thì còn có cơ hội, ở nông thôn cũng không có nhiều cơ hội vì học sinh cũng chỉ học thêm ở trung tâm hoặc học thêm nhà thầy cô giáo dạy trên trường.

Còn giáo viên các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân, thể dục….thì dạy ai? Chả nhẽ đi bán mắm, bán rau….. tìm kế sinh nhai trong hè xong chờ cơ hội kí tiếp trong năm học tiếp theo.

Tất nhiên, nhiều giáo viên sẽ phải tìm con đường khác, và nếu may mắn họ sẽ chọn được công việc tốt hơn, rõ ràng sẽ không quay lại công việc đó. Có nhiều người khác vì nhiều lí do như gánh nặng chăm sóc gia đình khiến họ rất khó để tìm kiếm công việc khác, nhiều người đã có ở độ tuổi cứng cứng như mình, tìm việc đâu có dễ.

Ở một số trường tư, tùy vào nguồn kinh phí, họ có thể trả 100% lương hoặc chỉ chi trả lương cơ bản bao gồm cả tiền bảo hiểm cho người lao động nhằm giữ chân người lao động, còn Nhà nước ? có lẽ họ không cần giữ chân người lao động, âu cũng là cái quyền lực của họ.

Giáo viên hợp đồng 111: Đâu là sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

Nếu đây là cách Nhà nước bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thì liệu có công bằng không? Ngay từ đầu, khi tuyển dụng, lẽ ra họ cần thông báo rõ ràng hợp đồng này chỉ kéo dài trong năm học, còn ba tháng hè thì không được bảo đảm. Nếu như vậy, giáo viên sẽ chủ động tìm công việc phù hợp và không bỏ lỡ cơ hội khác. Như tôi biết có một người cùng đợt kí hợp đồng với tôi, cô ấy muốn tìm việc gần nhà để tiện chăm sóc con cái  nên khi có hợp đồng 111 này cô ấy mừng quá mà xin nghỉ ở trường tư với hi vọng ổn định hơn, ai dè giờ nó thành ra như thế này, cô ấy đã khóc rất nhiều vì bây giờ quay lại trường cũ không được mà xin việc mới đâu có dễ.

Ở huyện tôi, họ đăng tuyển giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 từ tháng 4, sau đó họ giữ im lặng cho tới cuối tháng 8 mới thông báo cho những người ứng tuyển chuẩn bị hồ sơ, và cũng thi thố các vòng này nọ ất giáp, mà rốt cục họ cho kí hợp đồng lần 1 đến ngày 31/12. Gần đến ngày đó, anh em hỏi loạn lên là tình hình có được kí tiếp không để còn biết phân công chuyên môn. Rồi tới giờ này mới nhận được quyết định gia hạn hợp đồng đến 31/5. Đúng là tiếng sét ngang tai chứ không đùa.

Cứ nói doanh nghiệp tư nhân không minh bạch trong đảm bảo quyền lợi người lao động, vậy với cách làm này, Nhà nước đã đảm bảo được quyền lợi cho người lao động chưa? Rõ ràng với cách làm này, đã khiến cho tất cả chúng tôi đều hoang mang, không thể ổn định tư tưởng công tác. Đứng trước thực tế không có thu nhập trong ba tháng hè, chúng tôi làm gì để nuôi gia đình? Tất nhiên, chúng tôi sẽ xoay sở để sống rồi nhưng không phải xoay sở bằng chính nghề của mình.

Ba tháng hè không kí có nghĩa là họ cũng cắt luôn quyền lợi được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các cuộc họp cụm, tổ để cải thiện chất lượng giảng dạy và những quyền lợi học tập khác. Thật nực cười.

Chúng tôi đã đặt niềm tin vào một hệ thống tưởng như sẽ đảm bảo quyền lợi, những đổi lại là sự mơ hồ và bất an.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác giáo dục, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bác đã căn dặn Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung, phải bổ sung cán bộ, giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới vì vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp.

Vậy mà ở đây, người ta lại có một quyết định rất này nọ…..

Có lẽ vấn đề này, phải hỏi vũ trụ mới biết câu trả lời.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top